Tái thẩm là một thủ tục tố tụng đặc biệt được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
Theo dự kiến ngày mai 6/11/2013 Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) sẽ xét xử tái phẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) bị kết án tù chung thân về tội danh Giết người, sau hơn 10 năm phạm nhân này thụ án tại trại giam.
Việc chuẩn bị phiên tòa, thủ tục phiên tòa, những người tham gia phiên tòa được quy định rõ trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Thành phần hội đồng tái thẩm
Phiên tòa tái thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp. Khi xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa tái thẩm.
Hội đồng tái thẩm Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao gồm ba Thẩm phán. Nếu Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm thẩm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán tham gia xét xử. Quyết định tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán tán thành.
Hình ảnh một phiên tòa. (Ảnh minh họa)
Tại phiên tòa tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi biểu quyết về nội dung kháng nghị thì phải biểu quyết theo trình tự những ý kiến đồng ý với kháng nghị, những ý kiến không đồng ý với kháng nghị. Nếu không có loại ý kiến nào được quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành, thì phải hoãn phiên toà.
Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án với sự tham gia của toàn thể các thành viên.
Chuẩn bị và thủ tục phiên tòa tái thẩm
Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải được gửi trước cho các thành viên Hội đồng chậm nhất là bảy ngày trước ngày mở phiên tòa tái thẩm.
Tại phiên tòa, một thành viên của Hội đồng tái thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên của Hội đồng tái thẩm phát biểu ý kiến và đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Nếu đã triệu tập người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị thì những người này được trình bày ý kiến trước khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu. Trong trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng tái thẩm vẫn có thể tiến hành xét xử.
Quyền của HĐTP TAND tối cao khi tái thẩm
Nếu tình tiết mới được phát hiện dùng làm căn cứ để kháng nghị không xác thực, không làm thay đổi nội dung bản án thì Hội đồng thẩm phán quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Khi xác minh được tình tiết mới được phát hiện là thay đổi cơ bản nội dung của vụ án thì Hội đồng tái thẩm ra quyết định hủy án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại tùy theo tình tiết mới được phát hiện trong giai đoạn điều tra hay xét xử lại.
Và cũng tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án cấp tái thẩm quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm tùy thuộc vào tình tiết mới phát hiện ở cấp nào hoặc việc xét xử ở cấp nào là hợp lý.
Tạ Giang
Trần Gỗ Tự Nhiên | Giường Gỗ Tự Nhiên | Tủ Bếp | Cầu Thang Đẹp | Cửa Gỗ Lim
0 nhận xét
Đăng nhận xét