Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Nhu cầu vàng tăng mạnh trong quý III

Hội đồng Vàng thế giới ước tính nhu cầu tại Việt Nam các tháng 7-9 đạt 22,9 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) hôm nay công bố báo cáo đánh giá nhu cầu vàng toàn cầu quý III. Đây là một phần trong khảo sát thường kỳ của WGC, số liệu đưa ra là dự tính trên nhu cầu mua bán trên thị trường, không căn cứ vào lượng vàng nhập khẩu thực tế của mỗi nước.
Tại Việt Nam, WGC ước tính nhu cầu vàng trong quý III đạt 22,9 tấn, tương đương 974 triệu USD, tăng 32% về lượng và 6% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cả nhu cầu vàng trang sức và đầu tư đều tăng, tương tự xu hướng quý II. So với các nước khu vực châu Á được WGC thống kê (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc), mức tăng của Việt Nam đứng sau Thái Lan và Indonesia.
6 tháng đầu năm nay, đặc biệt từ cuối tháng 3 đến 30/6 là giai đoạn cao điểm các ngân hàng phải mua vàng để tất toán các hợp đồng huy động từ dân cư trước đây. Riêng phần mua của Ngân hàng Nhà nước để phục vụ mục đích này đã lên tới 30 tấn. Hạn chót tất toán là 30/6, song vì một số nguyên nhân, các ngân hàng vẫn có thêm hơn một tuần đầu tháng 7 để thực hiện việc đóng trạng thái.
Tính chung trong một năm qua, nhu cầu vàng tại Việt Nam đạt 86 tấn (4,1 tỷ USD), giảm 1% so với cùng kỳ. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu để đầu tư chiếm tới hơn 86%.
vang-9349-1384417730.jpg
Nhu cầu vàng thế giới giảm chủ yếu do các quỹ ETF bán ra. Ảnh: Telegraph
Trên thế giới, nhu cầu vàng giảm 21% trong quý III so với năm ngoái, xuống 868,5 tấn. Nguyên nhân chính là các quỹ ETF vàng bán ra, dù tốc độ đã chậm hơn so với quý II. Nếu tính theo giá trị, nhu cầu vàng giảm 37% so với năm ngoái, xuống 37 tỷ USD - thấp nhất kể từ đầu năm 2010.
Nhu cầu vàng trang sức trong quý III đạt 486,7 tấn. Đây là số liệu quý III cao nhất trong ba năm qua. Tuy vậy, nguồn cung vàng trong quý lại giảm 3% do hoạt động tái chế giảm sút.
Theo WGC, các nhà đầu tư phương Tây bán vàng do dự đoán Mỹ sẽ giảm kích thích sớm khi kinh tế nước này có nhiều dấu hiệu hồi phục. 9 tháng đầu năm, các quỹ ETF đã bán ra 700 tấn vàng, phần lớn là trong quý II khi giá vàng lao dốc.
Tuy nhiên, WGC nhận định nhu cầu của người tiêu dùng vẫn mạnh, các thị trường phương Đông vẫn là lực đẩy chính cho thế giới. Trong quý III, Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ vàng số một với 209,6 tấn, nới rộng khoảng cách với Ấn Độ (148 tấn).
Nhu cầu quý III của Ấn Độ giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số liệu này tại Trung Quốc lại tăng 18%. Nhu cầu tại Ấn Độ giảm do đồng rupee mất giá và các biện pháp kiềm chế nhập khẩu của Chính phủ, khiến giá vàng trong nước tăng kỷ lục.
Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đóng góp một nửa nhu cầu vàng thế giới. Vì thế, các động thái từ hai quốc gia này được giới đầu tư theo dõi rất sát sao, do chúng có khả năng ảnh hưởng mạnh lên giá vàng. Trong một năm tính tới 30/9, nhu cầu tại hai quốc gia này lần lượt là 797,8 và 715,7 tấn.
Lượng mua ròng của các ngân hàng trung ương cũng là nguồn cầu vững chắc, dù chậm hơn dự đoán của WGC. Các nhà băng đã bổ sung 94,3 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý III, cao hơn so với 79,3 tỷ USD quý trước. Từ đầu năm, các ngân hàng trung ương đã mua vào gần 300 tấn.
Lượng mua trong quý III thấp hơn dự đoán có thể do nhu cầu đa dạng hóa tài sản giảm đi khi các ngân hàng tăng cường dự trữ ngoại hối. Lượng mua tập trung tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), lớn nhất trong nhóm này là Nga với hơn 18 tấn.
Hà Thu

0 nhận xét

Đăng nhận xét

Bài viết xem nhiều